Trong thời gian gần đây, nông nghiệp Việt Nam và thế giới đã có những bước tiến nhất định trong việc canh tác hữu cơ. Tiêu biểu là ngày càng có nhiều mô hình với nhiều quy mô sản xuất được mở ra, chủng loại nông sản trong canh tác hữu cơ cũng ngày càng đa dạng. Từ đó, đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ thật nghiêm ngặt. Xin mời các bạn cùng điểm qua những quy chuẩn chất lượng dành cho sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam cũng như trên thế giới nhé!
TÓM TẮT NỘI DUNG BÀI VIẾT
1/ Tại Việt Nam
1.1 PGS Việt Nam
Là Hệ thống đảm bảo có sự tham gia – PGS (Participatory Guarantee System) hiện đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Hệ thống đảm bảo này dựa vào sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ.
Tại Việt Nam, tiêu chuẩn này được vận dụng trong dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho nông nghiệp hữu cơ Việt Nam” kéo dài 7 năm do tổ chức ADDA tài trợ và phối hợp thực hiện cùng Hội Nông Dân từ cấp cơ sở đến Trung Ương. Là một hệ thống được Liên đoàn các phong trào Nông Nghiệp Hữu cơ (IFOAM) phát triển và hướng dẫn
PGS chú trọng vào hai nội dung:
- Cung cấp cho người tiêu dùng sự đảm bảo tin cậy về sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ
- PGS giúp tạo nên sự kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán.
1.2 Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia
Để đánh giá chất lượng các nông sản hữu cơ tại Việt Nam, Bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia được ra đời và nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chính thức có hiệu lực từ 29/12/2017.
Bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia nêu trên được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ (CODEX, IFOAM), quy định và tiêu chuẩn khu vực (EU, ASEAN) cũng như các tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines,… Với tiêu chí, vừa đảm bảo hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng phù hợp với hiện trạng canh tác nông nghiệp trong nước.
Trong bộ tiêu chuẩn này đề cập đến các nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ tại các trang trại, từ giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing,… Đồng thời, cũng có các yêu cầu đối với vật tư đầu vào như phân bón, yêu cầu về ổn định đất canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại và bệnh cây trồng, chất chế biến,…
2/ Trên thế giới
Trên thế giới có rất nhiều tiêu chuẩn cho việc canh tác hữu cơ. Bao gồm tiêu chuẩn của từng quốc gia, từng khu vực và cả những tổ chức về lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, các tiêu chuẩn điển hình có thể kể đến là:
2.1 USDA
Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia (USDA) là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất với việc phải có trên 95% thành phần hữu cơ trong sản phẩm. Ngoài ra, chứng nhận này cũng không cho phép sử dụng chất bảo quản tổng hợp và hầu hết các thành phần hóa học khi chế biến. Tất cả các hoạt động hữu cơ phải chứng minh được họ đang bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Cụ thể:
– Cây trồng hữu cơ: các tia bức xạ, bùn thải, phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu bị cấm, các sinh vật biến đổi gen không được sử dụng.
– Chăn nuôi hữu cơ: các nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn động vật, không sử dụng thuốc kháng sinh hoặc chất kích thích tăng trưởng, phải sử dụng 100% thức ăn hữu cơ và đề phòng các động vật bên ngoài tới gần.
– Thực phẩm đa thành phần hữu cơ: chứng nhận USDA xác nhận các sản phẩm có ít nhất 95% thành phần chứng nhận hữu cơ.
2.2 PGS trên thế giới
Như đã nêu ở tiêu chuẩn PGS Việt Nam, PGS còn đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, New Zealand, Argentina, Peru… Tại mỗi quốc gia, các tiêu chí sẽ có một số nét khác biệt để phù hợp nhưng nhìn chung, các yêu cầu cơ bản về quá trình canh tác, nguồn đầu vào, chất lượng sản phẩm,… đều được yêu cầu nghiêm ngặt.
2.3 IFOAM
IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ) là một tổ chức phi lợi nhuận đã thiết lập các tiêu chuẩn hữu cơ trên toàn cầu từ năm 1980. Chứng nhận của IFOAM được quốc tế công nhận là xác minh năng lực cho các tổ chức chứng nhận hữu cơ. IFOAM đã thiết lập các yêu cầu chứng nhận hữu cơ đầu tiên vào năm 1992, và đã hình thành các chứng nhận được thực hiện ở nhiều quốc gia và khu vực trong đó có Việt Nam với Chứng nhận thực phẩm hữu cơ PGS Việt Nam.
2.4 Soil Association (Anh)
Đây là tiêu chuẩn yêu cầu tất cả các sản phẩm được chứng nhận phải thể hiện tỉ lệ hữu cơ trên nhãn sản phẩm. Một sản phẩm được gọi là hữu cơ khi sản phẩm đó phải chứa 95% thành phần hữu cơ.
Soil Association không tính thành phần nước trong sản phẩm nhưng nếu nước được dùng để tạo ra một thành phần nào đó (chẳng hạn như nước gốc thực vật floral water) thì trọng lượng của nước so với trọng lượng của loại thực vật được sử dụng sẽ quyết định tỷ lệ hữu cơ . Cách này nhằm ngăn ngừa việc các nhà sản xuất làm tăng tỉ lệ thành phần hữu cơ bằng nước gốc thực vật.
2.5 Cosmebio (Pháp)
Tiêu chuẩn này yêu cầu các sản phẩm phải chứa 95% thành phần từ nông nghiệp hữu cơ mới được công nhận. Trong đó, 10% tổng trọng lượng của sản phẩm (bao gồm cả nước) phải là hữu cơ. Chỉ cho phép tối đa 5% là thành phần tổng hợp. Cosmebio dành riêng cho các nhà sản xuất của Pháp và được chứng nhận bởi Eco-cert. Chứng nhận của Eco-cert có giá trị đối với các nhà sản xuất trên toàn thế giới.
Trên đây là các tiêu chuẩn được dùng để đánh giá và định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam và thế giới. Hi vọng với nguồn thông tin này, những nhà sản xuất hữu cơ có thể hiểu rõ và vận dụng vào quá trình canh tác của mình một cách hợp lý nhất!
- Công bố tiêu chuẩn chất lượng giống bò của HTX Nông Nghiệp Sơn La
- TẬP HUẤN KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC, THU HOẠCH ỚT CHỈ THIÊN CỦA HTX NÔNG NGHIỆP SƠN LA🌶️🌶️🌶️
- Hướng dẫn cách trồng xà lách thủy canh từ A đến Z
- Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam & thế giới
- DÙNG TRÙN QUẾ TRỊ BỆNH CHO TÔM